Ngày Mẫu Thân 13.05.2012
![]() Bà ngoại thương yêu của con, Đầu xuân 1978, con được chào đời tại thị xã Sa-Đéc tỉnh Đồng Tháp, là nơi ông bà Ngoại đang hầu việc Chúa. Tạ ơn Chúa cho con được sống những ngày tháng đầu đời trong gia đình của ông bà Ngoại. Con được ông Ngoại đặt cho biệt danh là ‘Tí’ (Bé Nhỏ). Riêng con đã được Ba Mẹ đặt tên là Minh Hải, là tên của thành phố cuối miền quê hương đất nước. Những ngày tháng sau đó, con về sống chung với Ba Mẹ tại Cà-Mau, là nơi Ba Mẹ con đang dạy học lúc bấy giờ. |
|
|
|
Những lúc Ba Mẹ bận công tác ở trường, con được về sống chung với ông bà Ngoại và dì Tư tại Sa-Đéc. Đến khi con được hơn 12 tháng tuổi, thì ông Ngoại được Chúa gọi về Nước Ngài. Lúc ấy con còn quá nhỏ nên không biết gì nhiều về ông Ngoại.
Tháng 6 năm 1979, lúc vừa được 16 tháng tuổi, con cùng Ba Mẹ và dì Út xuống tàu rời quê hương thân yêu. Sau đó bà Ngoại và dì Tư cũng rời quê hương trên một chuyến tàu khác. Tạ ơn Chúa, đã đưa bà Ngoại và dì Tư đến Thụy Sĩ trước. Riêng gia đình Ba Mẹ con và dì Út đi trên chiếc tàu nhỏ, chật nít người, chen chút nhau mà ngồi. Sau hai ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông, con và những đứa trẻ khác trong tàu chịu nhiều đói khát. Chiếc tàu của con cũng bị cướp biển Thái Lan tấn công nhiều lần và sau đó còn gặp bão lớn nữa. Con cám ơn Chúa đã cứu mọi người trên tàu được bình an và được đưa đến đảo tị nạn Pulau Tengah của Mã Lai. Khi lên đảo con chỉ còn duy nhất một chiếc áo mặc trên mình. Sau những ngày tháng ấu thơ trên đảo, con cùng Ba Mẹ và dì Út được đoàn tụ với bà Ngoại và dì Tư tại Thụy Sĩ.
Ngày 11 tháng 3 năm 1980, gia đình con đến phi trường Zürich của Thụy Sĩ đang lúc mùa đông giá lạnh và đầy tuyết rơi. Sau một tuần ở tạm trong trại tiếp cư Menzingen (ZG), gia đình con được chuyển đến trại tiếp cư Wolhusen (LU). Trong 3 tháng tại đây, bà Ngoại và dì Tư cũng thường đến thăm con.
Tháng 6 năm 1980, gia đình con về sống ở thành phố Biel (BE). Sau đó, bà Ngoại và dì Tư cũng rời làng Rapperswil (BE) để về Biel (BE) ở gần nhà của con. Đến tháng 9 năm 1980, con có thêm em Hoài Nam nữa. Lúc ấy bà Ngoại còn khỏe mạnh lắm, nên hằng ngày bà Ngoại thường hay qua nhà con, chơi với con, đúc cơm cho con ăn và tiếp Mẹ lo cho em con. Tuổi ấu thơ của con gắn liền với nhiều kỷ niệm thân thương bên bà Ngoại. Những ngày nắng ấm, bà Ngoại hay đi dạo chơi với gia đình con. Đến ngày Chúa Nhật, bà Ngoại và gia đình con cùng nhau đi thờ phượng Chúa thật vui vẻ. Rồi đến hè, có dịp Ba Mẹ hay chở bà Ngoại và con đi chơi thật xa … Ôi, biết bao kỷ niệm thân thương trong tuổi ấu thơ của con với bà Ngoại làm sao kể hết được.
Thời gian thắm thoát trôi nhanh, đến năm 17 tuổi, lần đầu tiên con được trở về quê hương, có dịp thăm lại nhà thờ Tin Lành Sa-Đéc, là nơi con đã từng sống những chuỗi ngày đầu đời với ông bà Ngoại. Con cũng thăm mộ ông Ngoại nằm bên hông nhà thờ, nhìn hình ông Ngoại khắc trên bia mộ, con càng thương ông Ngoại nhiều hơn. Rồi kể từ đó, mỗi khi trở về thăm quê hương, con luôn ghé thăm mộ ông Ngoại. Con cám ơn Chúa đã cho ông bà Ngoại hết lòng yêu kính Chúa và trọn đời hầu việc Ngài. Gương đức tin của ông bà Ngoại đã ảnh hưởng trên cuộc đời con rất nhiều.
Khi lớn lên, con phải rời gia đình đi học ở xa, thỉnh thoảng con mới có dịp về thăm bà Ngoại. Mới hôm nào mà giờ đây đã 33 năm trôi qua trên đất khách quê người. Bây giờ, bà Ngoại không còn khỏe mạnh và già yếu đi rất nhiều, cũng không còn đi đứng được như ngày xưa nữa. Phần con cũng đã có gia đình và làm việc ở xa, lại bận rộn nhiều trong cuộc sống, nên ít khi về thăm bà Ngoại được, nhưng con rất thương nhớ bà Ngoại.
Con vô cùng tạ ơn Chúa cho con còn có được bà Ngoại sống đến tuổi 95 và đầy lòng yêu kính Chúa. Chúa cũng cho bà Ngoại trí nhớ vẫn còn sáng suốt, mắt không làng, tai không lãng. Mỗi khi ngồi bên bà Ngoại, cầm đôi tay gầy yếu của bà Ngoại, con cảm thấy thương bà Ngoại rất nhiều.
Con không biết nói gì hơn là luôn cầu xin Chúa ban sức khỏe cho bà Ngoại, để vui sống những ngày còn lại với con cháu. Con cũng xin Chúa cho con luôn đầy lòng yêu kính Chúa và noi gương ông bà Ngoại để dâng trọn đời sống hầu việc Ngài.
Cháu của bà ngoại, Ngô Triệu Minh Hải
|