Ngày Mẫu Thân 13.05.2012
![]() Bà ngoại thương yêu của con, Tháng 9 năm 1980 con được chào đời tại thành phố Biel (BE) của Thụy Sĩ, là nơi gia đình con cùng với bà Ngoại, dì Tư và dì Út đã định cư sau khi rời quê hương. Anh Hai của con sinh năm 1978 tại Việt Nam, được Ba Mẹ con đặt tên là Minh Hải, là tên thành phố cuối miền quê hương đất nước, bởi vì Ba Mẹ con đang dạy học tại Cà Mau lúc bấy giờ. Riêng con, Ba Mẹ đặt tên cho con là Hoài Nam. |
|
|
|
Lúc ấy bà Ngoại còn khỏe mạnh lắm, nên hằng ngày bà Ngoại thường hay qua nhà con, thay tả cho con, bồng ẵm con, và tiếp Mẹ lo cho hai anh em con. Có lần bà Ngoại mới bước vào cửa kiếng phía dưới của nhà con, con mừng rỡ vội vàng chạy ra, dang tay đón bà Ngoại đang bước từng nấc cầu thang đi lên, không hiểu lính quýnh như thế nào mà sau khi thốt lên hai tiếng ngọng nghịu ‘À ại’ thì con đã lăn nhào xuống mấy nấc cầu thang, trán sưng một cục tròn như quả trứng gà. Nghe tiếng con khóc, Mẹ con đang làm bếp vội vã chạy ra, thì thấy bà Ngoại đã ẵm con lên rồi.
Lúc con còn nhỏ, Ba phải đi làm việc để nuôi gia đình, Mẹ ở nhà chăm sóc hai anh em con. Những lúc Mẹ cần đi bác sĩ hoặc đi chợ xa, Mẹ gửi con bên nhà bà Ngoại. Hành trang của con mỗi khi sang nhà Ngoại là một túi xách nhỏ, đựng một chai sữa và vài tấm tả. Ở chơi nhà Ngoại, con hay lẫm đẫm đeo theo bà Ngoại, Ngoại đi đâu con theo đó. Một hôm, sau khi ở nhà Ngoại về, con khoe với Mẹ rằng : ‘Con biết bà Ngoại cất tiền ở đâu rồi’. Mẹ cười hỏi : ‘Ở đâu ?’. Con nói : ‘Ngoại cất tiền ở dưới tấm nệm, Ngoại giở lên, con thấy’. Sau khi nghe Mẹ thuật lại, bà Ngoại cười nói với con rằng : ‘Bây giờ Ngoại cất tiền ở chỗ khác rồi’.
Đến khi vào trường tiểu học, ở gần nhà con, trong lớp học chỉ có một mình con là người Việt Nam, nên mấy đứa bạn Thụy Sĩ trong lớp cứ thắc mắc hỏi tên của con có nghĩa là gì ? Sau buổi tan trường, con chạy riết về nhà hỏi Mẹ : ‘Mẹ ơi, tên Hoài Nam của con có nghĩa là gì, hả mẹ ?’. Mẹ con cười và nói đùa rằng : ‘Hoài Nam có nghĩa là về Việt Nam hoài đó con’. Sau nầy lớn lên, có dịp theo Ba Mẹ và bà Ngoại về thăm lại quê hương, con mới hiểu lòng Ba Mẹ và bà Ngoại yêu quê hương là dường nào khi phải rời xa quê hương, và gửi gắm tâm tình đó qua tên của con.
Tuổi ấu thơ của con với biết bao kỷ niệm êm đềm bên bà Ngoại. Có những ngày đẹp trời, bà Ngoại hay đi chơi ở công viên với con. Ngày Chúa Nhật, bà Ngoại cũng đi nhà thờ Thụy Sĩ với con. Lúc nghỉ hè, Ba Mẹ hay chở bà Ngoại và hai anh em con đi chơi rất vui … Sau này lớn lên, nghe Mẹ kể lại, con mới thấy tuổi thơ hồn nhiên của con có rất nhiều chuyện vui cười.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Lúc được 15 tuổi, con có dịp trở về quê hương lần đầu tiên. Con có đến nhà thờ Tin Lành Sa-Đéc, là nơi ông bà Ngoại đã từng hầu việc Chúa. Tại đây, con cũng được thăm mộ ông Ngoại ở bên hông nhà thờ. Thấy hình ông Ngoại trên mộ bia, với đôi mắt hiền từ như đang nhìn đứa cháu Ngoại, con thấy thương ông Ngoại quá, tuy con chưa gặp ông Ngoại lần nào. Sau nầy, mỗi khi trở về thăm quê hương, con luôn ghé thăm mộ ông Ngoại.
Tạ ơn Chúa đã cho ông bà Ngoại hết lòng yêu kính Chúa và trung tín hầu việc Ngài. Đức tin của ông bà Ngoại đã ảnh hưởng trên cuộc đời con rất nhiều. Mấy năm về sau nầy, con đi học ở xa, thỉnh thoảng con mới có dịp về thăm bà Ngoại.
Mới ngày nào mà giờ đây đã 32 năm trôi qua thật nhanh. Bà Ngoại đã già yếu đi rất nhiều, không còn đi lại được như ngày xưa nữa. Còn con cũng đã có gia đình và làm việc ở xa, ít có dịp về thăm bà Ngoại thường xuyên, nhưng con rất thương yêu bà Ngoại.
Tạ ơn Chúa đã cho bà Ngoại được 95 tuổi. Mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng tinh thần bà Ngoại vẫn còn sáng suốt, và còn nhớ rõ những việc ngày xưa. Con cầu xin Chúa cho bà Ngoại luôn khỏe mạnh, và vui sống những ngày còn lại với con cháu. Con cũng xin Chúa cho con hết lòng yêu kính Chúa và noi gương trung tín của ông bà Ngoại để hầu việc Ngài.
Cháu của bà ngoại, Ngô Triệu Hoài Nam
|