Mác 14:26-50

Kính thưa ÔB Mục sư và Hội Thánh,

Vườn Ghết-sê-ma-nê ở bên kia khe Xết-rôn, dưới chân núi Ô-li-ve, cách xa tường thành Giê-ru-sa-lem chừng 1km (Math. 26:36; Mác 14:32; Lu-ca 22:39, Giăng 18:1).
Chúa Giê-xu và các môn đồ thường đi nghỉ mát ở dưới bóng cây Ô-li-ve, cây vả và cây lựu ở đó (Giăng 18:2).

Ngày nay Ghết-sê-ma-nê là một nơi dành cho những du khách trên thế giới đến tham quan. Nhưng đối với chúng ta là những cơ đốc nhân, là những người tin nhận Chúa Giê-xu thì sao? Ghết-sê-ma-nê có ý nghĩa nào?

Kinh Thánh là lời ĐCT bày tỏ cho chúng ta biết ba ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nhắc đến địa danh Ghết-sê-ma-nê.

1. Ghết-sê-ma-nê – Nơi Chúa Giê-xu chiến đấu trong sự cầu nguyện

Vườn Ghết-sê-ma-nê danh tiếng không phải vì đó là một nơi vui chơi, nhưng vì tại đó Chúa Giê-xu đã cầu nguyện 3 lần (Math. 26:35-56; Mác 14:32-52), rồi chịu bắt đi trong đêm tối, trước ngày chịu chết trên thập tự giá.

Chính trong đêm đó, trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu biết trước mọi sự đau thương phải chịu trên thập tự giá khó là dường nào, nên Chúa đã chiến đấu trong sự cầu nguyện.

Lu-ca 22:44 cho chúng ta biết lời cầu xin của Chúa Giê-xu thiết tha đến nỗi những giọt mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.

Sau khi dự Lễ Tiệc Thánh và hát thơ thánh xong Chúa Giê-xu cùng các môn đồ lên núi Ô-li-ve để cầu nguyện. Trời đã tối, Chúa Giê-xu buồn rầu vì biết Giu-đa sẽ phản Ngài, Phi-e-rơ sẽ bị vấp ngã còn các môn đồ sẽ bị tan lạc và những gì sẽ xảy đến cho mình, thật lòng của Chúa đầy sầu não.

Như chúng ta biết Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất có nhân tánh và thần tánh. Nhân tánh của Chúa suy xét sự kiện này như một người và thần tánh của Chúa biết ý muốn của ĐCT như thế nào. Ngay từ buổi ban đầu khi dựng nên loài người ĐCT đã ban cho con người một cái quyền rất lớn đó là quyền tự do chọn lựa. A-đam và Ê-va có quyền tự do chọn lựa để vâng hoặc không vâng theo lời cảnh cáo của Chúa. Như vậy bản tánh xác thịt của Chúa Giê-xu cũng có quyền tự do chọn lựa vâng hay không vâng theo lời của ĐCCha.

Mặc dầu Chúa Giê-xu buồn rầu và mệt mỏi, nhưng Ngài vẫn đi cầu nguyện. Sự cầu nguyện của Ngài với ĐCCha cho chúng ta thấy Ngài có mối tương giao mật thiết với ĐCCha là dường bao.
Không phải chỉ trong giờ phút cuối Chúa Giê-xu mới đến Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện mà là hầu như mỗi ngày từ khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem. Giăng 18:1-2 cho chúng ta biết: Sau khi phán những điều ấy, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ mình sang bên kia khe Xết-rôn; tại đó có một cái vườn, Ngài bèn vào, môn đồ cũng vậy. Vả, Giu-đa là kẻ phản Ngài, cũng biết chỗ nầy, vì Đức Chúa Giê-xu thường cùng môn đồ nhóm họp tại đó.

Cũng theo dấu chân Chúa 3 môn đệ yêu dấu của Ngài là Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ (c.33) cùng lên núi để cầu nguyện. Mặc dù trước đó Chúa Giê-xu đã tỏ cho các môn đồ biết về sự sầu não của Ngài, nhưng các môn đồ không cảm thông được với Ngài. Sự việc Chúa Giê-xu phải chết đã làm cho họ bối rối và sợ hãi. Vì họ không thể hiểu được tầm quan trọng của sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Sức lực của họ dùng để cải lý và quả quyết về sự trung thành của họ đối với Chúa trước đó, giờ không thể chịu đựng được vài phút để cầu nguyện. Nhứt là Phi-e-rơ vẫn còn nuôi lòng tự tin của mình sẽ không bao giờ chối Chúa. Nhưng Chúa Giê-xu biết vì sao họ phải cầu nguyện, c.38a: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; Chúa biết họ sẽ bị cám dỗ, nhưng họ đã làm gì? Họ đã ngủ. Sự mệt mỏi của xác thịt đã chiến thắng trong sự chiến đấu thuộc linh của họ! Cho nên Chúa Giê-xu đã nói: tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối... (c.38b)

Sở dĩ Chúa Giê-xu phải chiến đấu trong sự cầu nguyện là vì Sa-tan muốn cám dỗ Ngài đừng bước lên cây thập tự!

2. Ghết-sê-ma-nê – Nơi Chúa Giê-xu vâng phục ý Chúa Cha

Trong vườn Ghết-sê-ma-nê Chúa Giê-xu đã 3 lần tha thiết cầu nguyện với ĐCCha. Lời cầu nguyện của Ngài bất đầu với một tiếng gọi thật mật thiết: A-ba, có nghĩa là cha. Như một người con ân cần xin cha mình một điều gì đó, Chúa Giê-xu đã khẩn thiết cầu xin ĐCCha sức chịu đựng để vượt qua được sự thử thách nầy. Trong Ma-thi-ơ 26:42 ghi lại: Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên. Như vậy, Chúa Giê-xu cầu xin được làm theo ý Cha, chớ không theo ý riêng mình! Và chúng ta thấy ĐCCha đã không để cho Ngài lẻ loi chịu đựng, nhưng ĐCCha đã cho một thiên sứ đến với Ngài và thêm sức chịu đựng cho Ngài.

Và rồi giây phút ấy cũng đã đến! Chúa Giê-xu phải đối diện với quyền tự do chọn lựa của mình làm theo con người xác thịt hay làm theo ý chỉ của ĐCCha...

3. Ghết-sê-ma-nê – Nơi Chúa Giê-xu tự phó sự sống mình

Mặc dầu biết rõ giá phải trả để chuộc tội cho nhân loại, Chúa Giê-xu vẫn tình nguyện trả hết ! (Math. 27:26).

Giăng 18:4-5 ghi lại rằng: Đức Chúa Jêsus biết mọi điều sẽ xảy đến cho mình, bèn bước tới mà hỏi rằng: Các ngươi tìm ai? Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chính ta đây!

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã dẫn theo một đám người của thầy tế lễ và người Pha-ri-si đến vườn Ghết-sê-ma-nê để bắt Chúa. Với cái hôn phản bội ông đã làm dấu hiệu cho các người ấy biết ai là Chúa Giê-xu. Họ đã đến ban đêm để bắt Chúa như bắt một kẻ trộm-cướp vì họ sợ những người hâm mộ Chúa sẽ chống trả nếu họ bắt Chúa giữa ban ngày.
Phi-e-rơ với sự nóng tánh của ông đã chém đứt tai bên hữu của người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm.
Giữa những sự xung đột của những người Giu-đa dẫn đến và các môn đồ của Chúa, vẫn không làm cho tâm chí Chúa Giê-xu rúng động; Ngài vẫn bình tỉnh quyết định và dàn xếp mọi sự. Sự chữa lành cái tai của người đầy tớ cho chúng ta thấy Chúa thể hiện quyền năng của ĐCCha và có thể thoát khỏi vòng vây của các đầy tớ nầy một cách dễ dàng; nhưng Ngài đã không làm như vậy! Câu trả lời của Chúa Giê-xu: Chính ta đây, đã nói lên sự sẵn sàng của Chúa Giê-xu tình nguyện để cho họ bắt và đi với họ.

Nếu là môn đồ của Chúa Giê-xu trong lúc nầy tôi thật hoàn toản không hiểu gì, vì sự việc quá vô lý đối với tôi. Rõ ràng Chúa có quyền năng của ĐCCha nhưng sao lại để cho họ bắt mình đi? Nếu Chúa Giê-xu, người thầy thân yêu của mình bỏ cuộc như vậy thì chắc tôi cũng như các môn đồ sẽ bỏ nơi đó, và chạy trốn.

Chúng ta thấy trong vườn Ghết-sê-ma-nê Chúa Giê-xu không dùng quyền năng Ngài để tẩu thoát; và lạ lùng hơn nữa, trên thập tự giá Chúa cũng không dùng quyền năng để xuống khỏi cây thập tự, mặc dù Chúa Giê-xu phải chịu đựng những lời nhạo báng, nhiếc móc và thách thức.

Ma-thi-ơ 27:39-44 ghi lại: Những kẻ đi ngang qua đó chê cười Ngài, lắc đầu, mà nói rằng: Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự! Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão cũng nhạo Ngài rằng: Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin. Nó nhờ cậy Đức Chúa Trời; nếu Đức Chúa Trời yêu nó thì bây giờ Ngài phải giải cứu cho, vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời. Hai tên trộm cướp bị đóng đinh trên cây thập tự với Ngài cũng nhiếc móc Ngài như vậy.

  1. Nếu là Con ĐCT thì hãy xuống khỏi cây thập tự đi
  2. Nó đã cứu kẻ khác mà sao không cứu mình
  3. Nó gọi ĐCT là Cha. Nếu Cha thương Con sao không cứu

Kết luận: Tại sao Chúa Giê-xu cam chịu mọi sự?

Có một câu chuyện kể lại tại một lớp học trong ngôi làng nhỏ ở Châu Phi. Nhiều giáo viên da trắng tình nguyện đến dạy đều không chịu đựng nổi những học sinh bản xứ còn rất bướng bỉnh. Chỉ trong ít tuần, họ đã bỏ dạy và ra đi, lớp học giải tán. Ngày nọ, cô giáo Sandina tình nguyện đến đây. Cô thăm hết các gia đình trong làng trước khi khai giảng lớp học. Có rất đông học sinh đến lớp, chúng yêu mến cô vì cô có vẻ dễ chịu hơn những thầy giáo trước đây.

Ngày đầu tiên, cô viết trên bảng những tội thường xảy ra và quy định hình phạt kèm theo, như: Chọc bạn: 10 roi khẻ tay; Đánh nhau: 15 roi; Ăn cắp: 20 roi, v.v... Rồi bảo học sinh cam kết phải làm đúng các quy định ấy. Cả lớp đồng tình.

Ngay ngày đầu, các trò tố giác một bạn ăn cắp bánh mì. Khi bị gọi lên đứng, Jastun nghênh ngang không sợ ai cả. Nó đưa tay ra sẵn sàng chịu 20 roi. Lúc ấy, thay vì cầm roi đánh nó, Sandina đưa roi cho nó và bảo: “Vì cô là cô giáo mà không dạy được các em, cô sẽ chịu hình phạt thay em.” – Jastun hoàn toàn bất ngờ, thái độ nó thay đổi lập tức, cả lớp xầm xì kinh ngạc. Cô giáo đưa tay ngửa ra trên bàn và bắt buộc nó phải đánh. Jastun quất thật nhẹ, cô bắt phải quất mạnh lên, được vài roi, nó oà khóc rồi chạy ra khỏi lớp, cả lớp đều khóc, cô Sandina cũng khóc.

Ngày hôm sau, Jastun trở lại lớp, xin lỗi cô. Một không khí hoàn toàn khác với những lớp học trước đó. Mọi người yêu thương nhau. Những kẻ cứng đầu nhất cũng đã sửa đổi.

Chúa Cứu Thế đến thế gian không phải để trừng phạt chúng ta, nhưng cảm thông và gánh thay cái án mà lẽ ra chúng ta phải chịu. Sự hủy diệt đời đời đã dành sẵn cho tội nhân, những gì chúng ta đã làm chỉ xứng đáng với sự trừng phạt mà thôi. Nhưng Chúa Cứu-thế đã chịu tất cả sự trừng phạt đó, dầu Ngài hoàn toàn không có một tội lỗi nào.

Rô-ma 5:6-8 đã ghi chép: Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.

Trong Giăng 3:16 Chúa Giê-xu đã phán: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
Tình yêu thương của ĐCCha đã phải thể hiện qua Chúa Giê-xu vì như vậy tình yêu thương đó mới được trọn vẹn. Nếu Chúa Giê-xu không để mình bị nộp trước tòa thượng phẩm, không có thể ra mắt Phi-lát, không chết trên cây thập tự để rồi đến ngày thứ ba Ngài từ kẻ chết sống lại thì sự ra đời của Ngài không có nghĩa gì hết.

Như vậy, không phải Chúa Giê-xu bỏ cuộc, cũng không phải Ngài nhứt thời yếu đuối, nhưng vì lòng yêu thương nhân loại Ngài đã chiến thắng bản tánh xác thịt để bước theo ý chỉ của ĐCCha.

Hôm nay tôi và quý vị hãy rờ lòng tự hỏi, chúng ta có noi theo gương Chúa Giê-xu không, chúng ta có thật sự chiến đấu trong sự cầu nguyện để tự bỏ mình đi mà làm theo ý ĐCCha chưa?

Nếu chưa, thì cầu xin ĐTL giúp chúng ta có thể tự bỏ mình đi để làm theo ý muốn tốt lành của ĐCCha. A-men.